
Ông Nguyễn Minh Hiếu (phải) bắt tay với đại diện của Trung tâm Thương mại thế giới bang Utah (Mỹ) sau khi ký kết bản ghi nhớ dưới sự chứng kiến của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong với Thống đốc bang Utah Gary Herbert - Ảnh: Hùng Lê
Việc ký kết hợp tác này nằm trong khuôn khổ buổi tiếp của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong với Thống đốc bang Utah Gary Herbert cùng đoàn quan chức và doanh nghiệp của bang sang làm việc tại Việt Nam.
Với thỏa thuận được ký kết này, Trung tâm Thương mại thế giới bang Utah sẽ khuyến khích các doanh nghiệp và các tổ chức thương mại khác ở bang Utah đầu tư vào khu Saigon Silicon City, quận 9, TPHCM trong các ngành công nghệ cao và sản xuất công nghệ tiên tiến.
Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Công viên Saigon Silicon City sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của bang Utah đầu tư với nhiều ưu đãi về thuế, tiền thuê mặt bằng...
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Nguyễn Minh Hiếu, Việt kiều Mỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công viên Saigon Silicon City, chủ đầu tư khu Saigon Silicon City theo mô hình khu công nghệ Silicon Valley của Mỹ, cho biết Trung tâm Thương mại thế giới bang Utah tập trung nhiều doanh nghiệp công nghệ cao hoạt động sẽ thuận lợi trong việc làm cầu nối kết nối những doanh nghiệp này đầu tư vào khu Saigon Silicon City cũng như trao đổi về khoa học công nghệ.
Dự án khu Saigon Silicon City rộng 52 héc ta, nhưng phần diện tích để xây dựng hạ tầng cho hoạt động sản xuất chỉ chiếm khoảng một nửa, phần diện tích còn lại dành cho việc trồng cây, phát triển công viên và đường nội bộ, nên số lượng nhà đầu tư và doanh nghiệp hoạt động tại đây không nhiều (khoảng 24 doanh nghiệp).
Với tổng vốn đầu tư khoảng 860 tỉ đồng (tương đương 40 triệu đô la Mỹ), khi hoàn thành, Saigon Silicon City sẽ trở thành một đô thị thông minh, sẵn sàng về cơ sở hạ tầng và tiện ích nhằm thu hút các doanh nghiệp của người Việt Nam ở nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là các doanh nghiệp trong khu vực Thung lũng Silicon, về đầu tư nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm công nghệ cao cũng như các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghệ cao. Dự kiến tổng vốn đầu tư khi lấp đầy diện tích khu này là khoảng 1,5 tỉ đô la Mỹ. Hiện đã có hơn 10 doanh nghiệp đầu tư vào đây.
Ông Hiếu cho rằng, hiện nay tại Việt Nam vẫn còn thiếu một sân chơi hoàn chỉnh, một “hệ sinh thái” bao gồm các cụm nhóm (cluster) cho các nhà đầu tư ngành kỹ thuật công nghệ cao. Và dự án Saigon Silicon City có thể được xem như một mô hình chuyển giao kỹ thuật công nghệ cao từ các công ty đến từ Thung lũng Silicon, giúp phát triển khoa học kỹ thuật cao tại Việt Nam.
"Dự án này không chỉ đơn thuần thiên về gia công sản phẩm công nghệ từ các nước khác như hiện trạng ở một số khu công nghiệp tại Việt Nam, mà có sự kết hợp giữa nghiên cứu phát triển (R&D) và ứng dụng, trực tiếp sản xuất ra công nghệ hay sản phẩm tương ứng", ông Hiếu nói.
Cũng trong sự kiện trên, Trung tâm nghiên cứu và khoa học công nghệ của bang Utah (USTAR), và Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) đã ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác nhằm thúc đẩy chuyển giao khoa học, công nghệ, và thương mại để hỗ trợ phát triển kinh tế.
Tại buổi tiếp Thống đốc bang Utah Gary Herbert, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết hiện đầu tư của doanh nghiệp Mỹ vào TPHCM đứng thứ 10 trong số 90 nước và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào thành phố. Ông Phong mời gọi doanh nghiệp bang Utah nói riêng và doanh nghiệp Mỹ nói chung đầu tư vào TPHCM nhiều hơn nữa.
Lãnh đạo bang Utah mong muốn cùng thành phố đẩy mạnh hợp tác, trao đổi đoàn công tác để chia sẻ kinh nghiệm trong giải quyết các vấn đề phát triển năng lượng sạch, môi trường, giáo dục,...
Theo thesaigontime.vn